Khánh Vĩnh là một trong hai huyện miền cao của Tỉnh Khánh hoà, có diện tích tự nhiên là 1116 km2 với dân cư là 27.600 người chủ yếu là đồng bào các dân tộc Rak lay, Trin, Ê đê… Do địa hình miền núi nên rừng và đất rừng chiếm hơn ¾ diện tích với trữ lượng lâm đặc sản lớn, đa dạng về chủng loại. Mặt khác địa hình chia cắt mạnh bởi các ngọn núi cao nên có Khánh Vĩnh có hệ thống sông suối dày đặc, nhiều thác ghềnh nên thuận lợi cho việc phát triển các mô hình kinh tế nông lâm, chăn nuôi và nhất là mô hình du lịch sinh thái. Nếu như ở địa bàn miền duyên hải, du lịch sinh thái thường tập trung ở mô hình biển, đảo với các hình thức cụ thể như lặn biển, tham quan các đảo đá, câu cá rạn… thì ở miền núi có thể giới thiệu các hình thức như tham quan thác, suối, đá, rừng. Du khách có thể đến sinh họat dã ngọai ở các con sông, suối, có thể nghiên cứu hệ động – thực vật nhiệt đới nhiều tầng nhiều lớp đa dạng phong phú
Một cảnh sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Theo thống kê, với 7 con sông gồm Sông Cầu, Sông Khế, Sông Trang, Sông Giang, Sông Chò, Sông Cái, Sông Mấu với tổng chiều dài trường khi hợp lưu để về thành sông Cái là hơn 300 cây số, cùng hệ thống đồi núi đa dạng đã tạo nên những cảnh quan hùng vĩ dễ làm ngợp lòng người. Từ tuyến Cầu Lùng – Đà Lạt, cây số 20 rẽ vào khoảng 12 km về phía nam là đến với khu du lịch Giang bay – Khánh phú bao gồm cảnh quan về sông, thác, đá, rừng. Tại đây, Tổng công ty Khánh việt đã đầu tư đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ du lịch sinh thái như nhà hàng, nhà nghỉ, hồ tắm, hồ nuôi cá sấu ,khai thác suối Nước Nóng Ho-cho, suối Đá trải để tiếp đón khách tham quan du lịch sinh thái trong tỉnh và ngòai Tỉnh. Cao điểm trong dịp Lễ, Tết, như các ngày Lễ Quốc tế phụ nữ 8-3 vừa qua có đến hàng ngàn người từ các nơi trong và ngoài Tỉnh đến tham quan du lịch. Khu thác Giang bay có tổng chiều dài hơn 10km sông và các phụ lưu gồm các thác nước, khu đá trải, hang đá và hệ thống thực vật gần như nguyên sinh suốt cả chiều dài của con sông Cầu hùng vĩ. Hoặc như Suối Nước nóng – xã Khánh Hiệp, cách thị trấn Khánh vĩnh hơn 20 cây số về phía tây bắc là nơi lý tưởng cho việc điều trị vật lý cho các lọai bệnh như thấp khớp ,bệnh ngoài da…Tại đây có một nguồn suối khóang tự nhiên phun trào với nhiệt độ từ 65 độ đến 70 độ C. Bà con dân tộc dùng nước này để chữa bệnh ,uống và sinh họat. Hiện nay, hàng ngày đều có người đến để tắm chữa bệnh và lấy nước khóang về uống. Đã có một công tư tư doanh đầu tư khai thác nguồn suối nóng này. Khu vực Khánh Hiệp có không dưới 2 nguồn nước khoáng tự nhiên lộ thiên có giá trị. Tại xã Giang ly, dưới chân thác Gia lợi còn đang hoang sơ, ông Mà Giá A nguyên Chủ tịch UBND xã Giang ly cũng bước đầu thiết kế một số hạng mục như nhà chòi, đàn đá dùng sức nước… và tại đây du khách có thể tham quan dọc tuyến suối Gia lợi với những cảnh quan kỳ thú về cây rừng, đá núi mà hiện nay người tham quan đặt tên là khu “du lịch Đàn đá”. Bên cạnh địa danh Giang bay, Suối Nước nóng…
Một góc của Khu du lịch Giang bay – huyện Khánh Vĩnh
Huyện Khánh vĩnh còn có các địa danh khác như Thác Hòm, Sông Mấu – xã Khánh thượng, Suối Đá trãi –xã Khánh đông, Sông Giang –xã Khánh trung, Suối II-xã Khánh thành. Ở những khu vực trên, du khách có thể chiêm ngưỡng hàng chục km sông suối hùng vĩ với những bãi đá trải dài, những bãi cát sạch sẽ dưới tán cây rừng râm mát bên những dòng nước chảy từ trong lòng đá mát lạnh. Bên trên những tán rừng là những giò phong lan trên cành đại thụ, những hình hài dây leo muôn vẻ chằng chịt…và tiếng chim rừng lảnh lót bất cứ thời khắc nào. Người viết bài này có dịp đặt chân đến khu vực rừng nguyên sinh vùng Trảng Thông, Chư Tôn – xã Khánh Hiệp đã chứng kiến những cây đại thụ to hàng mấy người ôm và rừng chia thành nhiều tầng, nhiều lớp nhưng đặc trưng nhất là mặt đất tuyệt nhiên không có một cây bụi nào mà chỉ có lớp lá ủ dày hàng tấc kết quả của bao năm tháng giao mùa thay lá của cây. Nếu có điều kiện về giao thông, về công tác đầu tư quản lý thì đây là những địa điểm du lịch kỳ thú khi nói đến du lịch sinh thái miền rừng. Hoặc như trên các con sông lớn như Sông Cái, Sông Trang… dài hơn 40km tính từ Liên Sang về hạ lưu là Nha Trang có thể tổ chức những tua du lịch chuyên về sông nước với mô hình chèo thuyền xuôi sông, vượt thác và thỉnh thỏang dừng chân ở các trạm nghỉ dọc sông. Hiện nay, công trình thủy điện Sông Giang – Khánh Trung đang thi công và dự án đập hồ Sông Chò – Khánh Hiệp đang xây dựng thì có thể sử dụng hai mục đích khai thác là năng lượng điện và du lịch sinh thái Đặc biệt, tuyến đường Khánh lê – Lâm Đồng là cầu nối và Khánh Vĩnh sẽ là nơi hội tụ các tuyến tham quan du lịch từ thành phố hoa Đà Lạt xuống trước khi đến vùng duyên hải Nha Trang và ngược lại.
Một cảnh thác -rừng tại xã Khánh Thượng – huyện Khánh Vĩnh chưa được
khai thác du lịch
Nói tóm lại, điều kiện tự nhiên ở Khánh Vĩnh rất lý tưởng cho việc đầu tư, phát triển các các mô hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Tuy nhiên, cần chú ý thêm các yếu tố để vừa thực hiện tốt công tác đầu tư du lịch phát triển kinh tế –xã hội vừa bảo đảm an ninh chính trị địa bàn có vị trí chiến lược này. Hiện tại, theo qui định nếu người nước ngòai đến địa bàn Khánh Vĩnh và lưu lại phải có giấy giới thiệu của cơ quan chức năng và sự cho phép của UBND Tỉnh với các mục đích công tác, nghiên cứu khoa học, từ thiện… Do vậy, nên qui định cụ thể về việc tổ chức du lịch có yếu tố người nước ngòai ở Khánh Vĩnh bởi vì theo xu thế hiện nay, các đơn vị kinh doanh du lịch thường tổ chức các tua khép kín cho du khách và đến tham quan miền núi là lộ trình lý tưởng theo mong muốn của họ. Vấn đề thứ hai, rất quan trọng là cần phải thực hiện nay công tác qui họach đầu tư khai thác phát triển du lịch ở miền núi từ nay đến năm 2020 và sau 2020 với việc đầu tư khai thác hợp lý từng giai đọan với các biện pháp thích hợp. Hiện tại, ngòai khu du lịch Giang Bay được UBND Tỉnh giao công tác đầu tư khai thác cho Tổng công ty Khánh Việt,các địa điểm có khả năng du lịch khác đều được du khách khai thác một cách tự phát, không có sự đầu tư,quản lý của chính quyền sở tại. Từ việc qui họach thống nhất bản đồ du lịch, Nhà nước nên thực hiện từng bước đầu tư khai thác với việc xây dựng hệ thống hạ tầng như giao thông, điện, nước và các hạng mục phụ trợ phục vụ cho du lịch sinh thái. Vấn đề thứ ba là cần khôi phục, phát huy ngành nghề truyền thống đồng bào dân tộc nhằm sản xuất các mặt hàng như dệt thổ cẩm, đan lát để quảng bá đặc trưng du lịch miền núi. Mặt khác, cần sưu tầm các hình thức văn hóa dân tộc, xây dựng các chương trình văn hóa để phục vụ tại các điểm du lịch như dạ hội cồng chiêng, các chương trình văn nghệ dân tộc Ê đê, Ralay, Trin .Vấn đề thứ tư là cần phải thực hiện tốt công tác vận động và triển khai tốt chính sách bảo vệ môi trường sinh thái miền núi mà việc lớn nhất là bảo vệ rừng.
Có thể nói, tiềm năng du lịch sinh thái ở miền núi Khánh Vĩnh chưa được đầu tư ,khai thác đúng mức. Do vậy, trong thời gian đến, Nhà nước nên xem xét thực hiện chính sách đầu tư để khai thác, phát huy tiềm năng sẵn có này giúp miền núi có thêm điều kiện để xóa đói giảm nghèo ,đẩy mạnh tốc độ kiến thiết xây dựng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch với đồng bằng.
Theo chủ trương của Khánh Vĩnh, dự án đất vườn đồi sinh thái của D.T Group được triển khai vào tháng 3/2020 đang được sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư
Thông tin dự án đất vườn đồi sinh thái Khánh Vĩnh : http://datninhhoa.net/du-an/dat-vuon-doi-sinh-thai-khanh-vinh/
9 lý do đầu tư đất vườn đồi sinh thái Khánh Vĩnh : http://datninhhoa.net/ly-do-dau-tu-dat-vuon-doi-sinh-thai-khanh-vinh/