Trong ba đặc khu kinh tế dự kiến thành lập, Bắc Vân Phong ở thời điểm hiện tại vẫn “tay trắng” và hoàn toàn lép vế so với Vân Đồn và Phú Quốc.
Chưa có gì ngoài điều kiện tự nhiên
Khu kinh tế Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha, bao gồm 70.000 ha mặt đất, còn lại là diện tích mặt nước, thuộc thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa.
Theo đánh giá tại Đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do UBND tỉnh Khánh Hoà dự thảo, Bắc Vân Phong là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, có lợi thế so sánh về vị trí địa lý để phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đây là một trong những vịnh tự nhiên được đánh giá tốt nhất vùng Đông Á, mở cửa hướng ra Biển Đông, gần ngã ba các tuyến hàng hải, quan trọng như châu Âu – Bắc Á, Châu Úc – Đông bắc Á và Đông Nam Á – Đông Bắc Á; có vị trí tâm điểm toả đến hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của khu vực, là điểm hội tụ của các cảng biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Sở hữu nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của khu vực này hiện vẫn nghèo nàn.
Vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông của Bắc Vân Phong trong giai đoạn 2005 – 2017 chỉ đạt khoảng 1.900 tỷ đồng, chưa bằng 1/20 so với 25.460 tỷ đồng được đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng trọng điểm tại Phú Quốc giai đoạn 2005 – 2016.
Bên cạnh đó, trong khi các đặc khu kinh tế tương lai khác như Phú Quốc và Vân Đồn đều có một số công trình trọng điểm đã hoặc chuẩn bị đưa vào sử dụng như cảng hàng không hoặc cảng biển quốc tế thì lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông của khu vực Bắc Vân Phong mới chỉ dừng lại ở “khả năng sãn sàng kết nối hạ tầng kỹ thuật”.
Việc kết nối giao thông đường hàng không của Bắc Vân Phong với các sân bay gặp rất nhiều khó khăn khi khu vực này cách sân bay Tuy Hoà, Phú Yên 30km nhưng sân bay này rất ít chuyến bay, và cách sân bay quốc tế Cam Ranh đến 85km.
Một góc vịnh Vân Phong. Ảnh Văn Kỳ, báo Khánh Hoà
Cùng với đó, các điều tự nhiên kiện thuận lợi để xây dựng cảng biển của Bắc Vân Phong cũng mới chỉ dừng lại ở mức tiềm năng, chưa có sự hiện diện của các dự án lớn, tạo động lực cho sự phát triển chung của khu vực này.
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất quy hoạch xây dựng bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong, song hiện dự án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để xin giấy phép xây dựng.
Trước đó, năm 2009, dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cũng đã phải dừng lại ngay sau lễ khởi công và bị thu hồi, bỏ hoang cho đến nay.
Có lẽ chính do những hạn chế về cơ sở hạ tầng nên mặc dù sở hữu nhiều lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, nhưng nếu so với nơi khác là Phú Quốc và Vân Đồn đang thu hút mạnh mẽ đầu tư thì Bắc Vân Phong vẫn còn rất khiêm tốn.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, tính đến tháng 9/2017, khu vực Bắc Vân Phong mới chỉ thu hút 35 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư 421 triệu USD, nhưng vốn thực hiện mới chỉ có 27,7 triệu USD.
Nếu tính toàn bộ khu kinh tế Vân Phong thì thu hút 156 dự án với 8,3 tỷ USD vốn đăng ký, nhưng mới chỉ có 673 triệu USD được giải ngân và có hai dự án chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất là nhà máy điện và tổ hợp hoá dầu có vốn đăng ký 6,8 tỷ USD thì vẫn đang trong quá trình thoả thuận.
Biến bất lợi thành ưu thế!
Cùng với những hạn chế về cơ sở hạ tầng và sự thiếu vắng của các dự án đầu tư lớn, Bắc Vân Phong cũng là khu vực còn khá hoang sơ với mật độ dân số thấp, nhiều vùng đất trống chưa xây dựng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đây vừa là hạn chế nhưng đồng thời cũng là điểm mạnh của khu vực nếu địa phương biết khai thác một cách hiệu quả. Việc Bắc Vân Phong có mật độ dân số và xây dựng thấp sẽ rất thuận tiện cho công tác giải phóng mặt bằng, cũng như tiết kiệm nhiều chi phí để thực hiện công tác này phục vụ việc triển khai xây dựng các dự án lớn.
Theo đó, trên cơ sở các điểu kiện tự nhiên thuận lợi, các ngành nghề trọng tâm ưu tiên phát triển của khu vực này tại đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong là dịch vụ cảng biển và logistics quốc tế, trung tâm thương mại – tài chính – du lịch và vui chơi giải trí có casino, công nghệ cao gắn với khu đô thị có y tế và giáo dục chất lượng cao… Đây đều là những lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn và đồng bộ.
Về vấn đề này, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong cho biết, với những tiềm năng hiện hữu và định hướng sẽ phát triển khu vực này thành đặc khu kinh tế, tỉnh đã không kêu gọi đầu tư vào Bắc Vân Phong mà chỉ cho những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện, còn những dự án mới thì không đưa vào đầu tư tại khu vực này để giữ nguyên trạng chờ xây dựng thành “đặc khu”.
Do đó, Bắc Vân Phong hiện vẫn còn dư địa đầu tư khá lớn và đang sở hữu những ưu thế nhất định để giúp khu vực này có thể vươn lên phát triển vượt trội trong tương lai.
Đồng quan điểm, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, sức hút của Bắc Vân Phong đến từ nguồn quỹ đất chưa sử dụng khá lớn. Điều này cho phép nhà đầu tư dễ dàng khai thác phục vụ mục đích phát triển sản xuất – kinh doanh, phát triển khu thương mại, tài chính, cảng biển tự do mà không gặp phải những vướng mắc, khó khăn liên quan tới giải phóng mặt bằng, đền bù.
“Hiện nay Bắc Vân Phong còn khá hoang sơ, có thể cho phép các nhà đầu tư chiến lược cỡ tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Đông cho hay.
Nguồn : https://theleader.vn/bac-van-phong-co-gi-trong-tay-truoc-kha-nang-thanh-dac-khu-kinh-te-20171121120538438.htm